A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ An: Hướng dẫn quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ năm học 2022 - 2023

Thực hiện Công văn số 1888/SGD&ĐT-KHTC ngày 09/9/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về việc hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.  

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An hướng dẫn quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ năm học 2022 - 2023 như sau:

1.1. Các căn cứ pháp lý

           - Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

           - Công văn số 9337/UBND-VX ngày 07 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh về việc quy định nội dung vận động tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018.

Công trình Trường THPT Kỳ Sơn do tập đoàn Trungnam Group tài trợ

           1.2. Nguyên tắc vận động tài trợ

           - Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

- Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

1.3. Quy trình thực hiện

Thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo đúng quy định tại Chương II Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể như sau:

          Bước 1: Trong thời gian hè, để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho năm học, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch vận động tài trợ (định kỳ hoặc đột xuất). Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

        Bước 2: Báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.

        Bước 3: Công khai kế hoạch sau khi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng GD&ĐT phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; Họp phụ huynh học sinh toàn trường để triển khai kế hoạch, kêu gọi tài trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

        Bước 4: Thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ để tiếp nhận tài trợ bao gồm: Thủ trưởng cơ sở giáo dục (tổ trưởng), kế toán trưởng, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện của cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục (nếu có). Tổ tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của hoạt động tài trợ; cung cấp thông tin về thời gian, địa chỉ, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục; nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.

        Bước 5: Cơ sở giáo dục lập kế hoạch sử dụng tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành. Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, người giám hộ (nếu có) và nhà tài trợ.

Bước 6: Sau khi hoàn thành công việc, các cơ sở giáo dục niêm yết công khai và báo cáo quyết toán kính phí và kết quả thực hiện với cha mẹ người học, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.

1.4. Hồ sơ xin phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ

- Tờ trình về việc xin phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ;

-   Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung vận động và dự toán kinh phí chi tiết (gửi kèm hồ sơ dự toán), mục đích, đối tượng thụ hưởng, đối tượng vận động, nguyên tắc thực hiện, hình thức vận động, kế hoạch triển khai;

-  Báo cáo kết quả thực hiện vận động tài trợ của năm học trước liền kề kèm theo hồ sơ thuyết minh: Giấy nộp tiền vào Tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, chứng từ thu, chi; biên lai thu tiền...

1.5. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

(1) Các quỹ do đơn vị huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đóng góp, khi nhận được tiền ủng hộ, ghi:

          Nợ các TK: 111, 112, 152 ... – Tiền mặt; TGNH, KB; NL,VL

          Có TK 353 – Các quỹ đặc thù

(2) Khi chi quỹ theo quyết định của đơn vị ghi:

          Nợ TK 353 – Các quỹ đặc thù

          Có TK 111, 112 – Tiền mặt; Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

(3) Khi đơn vị xuất quỹ tiền mặt, gửi vào NH, Kho bạc, ghi:

         Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

         Có TK 111 - Tiền mặt

(4) Khi đơn vị chuyển khoản mua sắm (bàn ghế, các loại máy móc…), ghi:

         Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

         Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Công trình Trường THPT Kỳ Sơn do tập đoàn Trungnam Group tài trợ


Tác giả: Nguyễn Xuân Kính
Nguồn:Phòng KHTC, Sở GD&ĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan